Hoạt động của ngành

Xây dựng sản phẩm du lịch biển đặc thù có chất lượng cao

Cập nhật: 30/03/2011 09:03:02
Số lần đọc: 5047
Có bờ biển dài trên 3.260km, sở hữu khá nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, vũng, vịnh đẹp thuộc vào bậc nhất thế giới, lợi thế đó là tiền đề để du lịch biển Việt Nam tạo thương hiệu riêng có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới.

Làm thế nào để Du lịch Việt Nam có thương hiệu du lịch biển mang tầm cỡ thế giới là vẫn đề được đặt ra tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam” do TCDL tổ chức tại khu Sealink Beach Hotel (Bình Thuận).

 

Tiềm năng du lịch biển Việt Nam

 

Ngoài hệ thống bãi biển đẹp như: Cát Bà, Sầm Sơn, Lăng Cô, Non Nước, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc… biển nước ta còn có các vịnh được công nhận là những vịnh đẹp nhất thế giới gồm vịnh Hạ Long, vịnh Lăng Cô, vịnh Nha Trang cùng các rạn san hô vô cùng phong phú. Ngoài ra vùng biển, đảo còn hấp dẫn hơn nữa bởi các hệ sinh thái tại Bái Tử Long, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc, có hệ động thực vật điển hình với giá trị phục vụ du lịch cao. Về mặt nhân văn, các vùng ven biển cũng là nơi hội tụ của 6/13 di sản thế giới như: vịnh Hạ Long, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể di tích Cố đô Huế với Nhã nhạc cung đình, đô thị cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn, cho phép khách du lịch mở rộng tham quan tuyến điểm di sản văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ven biển hiện nay phát triển tương đối khá nhanh, tạo nên diện mạo mới, đa sắc cho toàn Ngành.

 

Thực tế cho thấy, du lịch biển hiện nay đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam. Theo kết quả thống kê chưa đầy đủ giai đoạn 2000 – 2010, chất lượng khách du lịch quốc tế đến các tỉnh ven biển chiếm trên 70% tổng lượng khách đến các tuyến điểm khác và thu nhập từ du lịch biển chiếm gần 60% doanh thu du lịch cả nước.

 

Xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam – cần sự chung tay

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Thị Điệp nhấn mạnh: du lịch biển đảo được xem là một trong 5 hướng đột phá mới về phát triển kinh tế biển và ven biển. Chính vì vậy, muốn phát triển nhanh và bền vững, du lịch biển Việt Nam cần xây dựng cho riêng mình một thương hiệu đặc thù có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, phát huy có chọn lọc các thế mạnh nổi trội của tiềm năng du lịch biển địa phương, từ đó xây dựng chung cho thương hiệu du lịch biển Việt Nam. Bà Điệp cũng cho biết thêm: với tính chất của một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp quan trọng thì việc xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam cần phải có sự quan tâm và đóng góp công sức của mọi ngành liên quan, từ Trung ương đến địa phương, từ quản lý Nhà nước đến kinh doanh dịch vụ và cộng đồng dân cư.

 

Theo ông Phạm Văn Mỵ - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Biển và Hải đảo: Tiềm năng du lịch biển Việt Nam là rất đa dạng và phong phú, nhưng đến nay du lịch biển Việt Nam vẫn chưa có được thương hiệu tổng thể mang tầm vóc quốc gia. Chính điều này, đã tạo sức cản trở lớn cho việc phát triển du lịch biển và dễ bị chia sẻ thị trường khách du lịch bởi sức hút mạnh mẽ của thương hiệu biển các nước trong khu vực như Pattaya, Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia)…

 

Một tín hiệu tích cực cho Việt Nam là hiện nay hầu hết tất cả các hãng lữ hành lớn trên thế giới có tour du lịch châu Á hạng sang đều đã đưa du lịch biển Việt Nam vào chương trình. Đây là tín hiệu đáng mừng trong quá trình Việt Nam đang xây dựng thương hiệu du lịch biển quốc gia cùng với việc phát triển các ngành nghề, lĩnh vực khác trên biển nhằm nâng cao vị trí quan trọng của biển, đảo trong việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

 

PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện NCPT Du lịch chia sẻ: trong bối cảnh hội nhập quốc tế và theo xu thế phát triển toàn cầu, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch biển, đảo nói riêng đều có những thời cơ thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế luôn có nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt qua những hạn chế, đặc biệt là nhận thức và tư duy chiến lược trong phát triển thương hiệu quốc gia với sự đồng tâm của toàn xã hội từ Chính phủ đến các doanh nghiệp du lịch và các địa phương ven biển.

 

TS. Võ Sáng Xuân Lan, Trưởng khoa Du lịch trường ĐH Văn Lang

“Việc tham gia của cộng đồng vào việc xây dựng thương hiệu du lịch biển sẽ tạo một sức mạnh tổng thể. Một đất nước, một địa phương mà trong đó nhận thức của cộng đồng càng cao về du lịch thì việc thể hiện hành động chung tay cùng phát triển với du lịch sẽ trở thành giá trị đặc thù, góp phần tạo nên thương hiệu riêng biệt nổi bật và dễ ấn tượng”.

TS. Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

“Muốn xây dựng thương hiệu du lịch biển phát triển vững mạnh chúng ta phải xây dựng sản phẩm du lịch biển có chất lượng cao và mang tính khác biệt đặc thù. Hơn nữa, cần tạo môi trường gắn kết hỗ trợ lẫn nhau giữa chính quyền trung ương, địa phương với cộng đồng dân cư, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch nhằm tạo sự thuận lợi góp phần quảng bá thương hiệu địa danh rộng rãi hơn và hiệu quả hơn”.

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục