Non nước Việt Nam

Phát triển làng nghề truyền thống ở Tiền Giang

Cập nhật: 17/03/2011 08:03:28
Số lần đọc: 6915
Cùng với việc gắn bó với ruộng, vườn..., người dân Tiền Giang còn tận dụng các nguồn lợi sẵn có của địa phương sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa của địa phương hình thành những làng nghề nổi tiếng. Trên cơ sở này, tỉnh đang nỗ lực khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống phát triển theo hướng bền vững.

Phong phú ngành, nghề

Có dịp đến Tiền Giang, dừng chân tại thành phố Mỹ Tho, đô thị trung tâm của tỉnh, du khách không bỏ lỡ cơ hội tham quan làng nghề và thưởng thức đặc sản hủ tiếu Mỹ Tho, nhất là chất liệu bánh hủ tiếu vừa dai, mềm, không bở và có hương vị riêng mà không có hủ tiếu nơi nào sánh được. Du ngoạn tuyến biển bạn sẽ được giới thiệu đến tham quan các làng nghề nổi tiếng có từ hơn một thế kỷ nay. Ðó là nghề làm mắm tôm chà và nghề đóng tủ thờ Gò Công. Ông Cao Văn Hổ, chủ cơ sở sản xuất mắm tôm chà Kim Sa ở thị xã Gò Công tự hào kể về xuất xứ của nghề làm mắm tôm chà: Vùng biển Gò Công vốn phong phú tôm, cá, cho nên người dân biển đã biết tận dụng nguồn lợi này mà chế biến thành những sản phẩm như cá khô, các loại mắm... Riêng sản phẩm mắm tôm chà, do hương vị đặc trưng rất riêng của mắm tôm chà không nơi nào sản xuất được ngoài vùng Gò Công, cho nên triều đình Huế thường dùng để tiếp khách trong các buổi lễ, tiệc..., Từ đó, nghề làm mắm tôm chà được gìn giữ và lưu truyền trong nhân dân Gò Công cho đến ngày nay. Còn đến ấp Ông Non, xã Tân Trung, thị xã Gò Công mọi người sẽ được tận mắt chứng kiến nét tinh xảo, đầy thẩm mỹ, công phu của chiếc tủ thờ do chính những nghệ nhân ở đây tạo nên. Ông Ngô Tấn Ðức, chủ cơ sở mộc Ba Ðức, hơn sáu mươi năm trong nghề khẳng định: Chiếc tủ thờ Gò Công truyền thống nơi đây không chỉ nổi tiếng về chất liệu gỗ cấu thành là toàn sử dụng các loại gỗ tốt như mun, cẩm lai, gõ đỏ, căm xe... mà cái chính là thể hiện đường nét hoa văn chạm trổ tinh tế, khéo léo đã tạo nên thành phẩm trang nhã, bắt mắt vừa trang nghiêm, vừa thanh thoát, và có độ bền rất cao, hơn một trăm năm. Riêng ở các huyện phía tây của Tiền Giang - vùng đất quanh năm phù sa màu mỡ với những cánh đồng cò bay, thẳng cánh, những vườn cây luôn trĩu nặng quả ngọt, trái sai mùa nào thức nấy, người nông dân cũng đã tranh thủ những lúc nhàn rỗi tạo thêm thu nhập bằng cách tận dụng các nguồn lợi tại chỗ mà hình thành nên những làng nghề nổi tiếng như nghề dệt chiếu lác, u du ở Long Ðịnh, nghề đan nón bàng buông ở Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Ðông thuộc huyện Châu Thành, nghề làm bánh phồng mì ở huyện Cái Bè...

Bảo tồn và phát triển

Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, giá trị sản lượng mỗi năm của các nghề, làng nghề trong tỉnh đạt khoảng từ 300 đến 400 tỷ đồng, chiếm gần 10% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm ổn định hằng năm từ năm đến mười nghìn lao động chuyên và từ 10 đến 15 nghìn lao động nông nhàn. Thu nhập bình quân đầu người từ 600 đến 800 nghìn đồng/tháng, cá biệt có hộ thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề của tỉnh đều phát triển tự phát, lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng chất lượng phần lớn không cao, trình độ lao động thấp, phần lớn là phổ thông, chưa được đào tạo kỹ lưỡng, chỉ một bộ phận nhỏ lao động có kỹ thuật và tay nghề cho nên khi mẫu mã sản phẩm thay đổi, thường gây khó khăn trong việc nâng cao tay nghề để có sản phẩm đạt chất lượng, vì thế thu nhập còn thấp; chưa có đầu mối tổ chức quản lý sắp xếp hoạt động làng nghề hiệu quả, chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết; hoạt động chưa đồng bộ, khả năng cạnh tranh hạn chế, năng suất và thu nhập của người lao động thấp và không thường xuyên. Bên cạnh, các làng nghề hoạt động chưa có kế hoạch cụ thể, các địa phương còn nhiều lúng túng trong sắp xếp, tổ chức cho nên hạn chế trong việc đầu tư phát triển sản xuất; thiếu sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương trong tổ chức hoạt động các làng nghề, các chính sách hỗ trợ chưa được cụ thể hóa phù hợp với thực tế địa phương. Do đó, để bảo tồn và phát triển các làng nghề, tỉnh Tiền Giang đã chính thức công nhận 13 dự án làng nghề và tập trung đầu tư phát triển với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng hơn 30 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng, còn lại huy động dân đóng góp. Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Tiền Giang Võ Văn Lập cho biết: Tỉnh đã ban hành Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn 2020 và xem đây là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương, nhằm duy trì, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa địa phương, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển các làng nghề mới khi có đủ điều kiện.

Sau khi có dự án khôi phục làng nghề, nhiều dự án, đề tài được hỗ trợ nghiên cứu để thúc đẩy phát triển các làng nghề, như nghiên cứu hệ thống ép định hình nón bàng buông và nồi nhuộm sợi bàng cho làng nghề truyền thống bàng buông Thân Cửu Nghĩa cho hiệu quả cao; nghiên cứu mô hình dệt chiếu bán tự động thay thế thủ công ở làng nghề dệt chiếu Long Ðịnh; nghiên cứu công nghệ và hệ thống chế biến hủ tiếu quy mô vừa và nhỏ, năng suất một tấn/ngày cho làng nghề bánh, bún hủ tiếu Mỹ Tho và dự án sấy cá khô ở xã Vàm Láng, Gò Công Ðông. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) còn đầu tư trồng 10 ha lác, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ làng nghề dệt chiếu Long Ðịnh, đạt sản lượng hơn 200 tấn/năm... Từ sự tập trung, hỗ trợ này, các làng nghề Tiền Giang đã từng bước khởi sắc. Cụ thể, làng nghề tủ thờ Gò Công đã từng bước khôi phục, phát triển. Chủ nhiệm HTX làng nghề tủ thờ Gò Công Phạm Văn Nam vui vẻ cho biết: Ban đầu, làng nghề chỉ có khoảng từ 20 đến 30 hộ, với hơn 50 lao động chuyên, đến nay làng nghề có gần 300 lao động có tay nghề theo dạng cha truyền con nối và nhiều hộ làm gia công tập hợp hơn 1.200 lao động làm nghề; trong đó 50% số lao động chuyên, có thu nhập hơn ba triệu đồng/tháng và 50% số lao động còn lại hoạt động theo thời vụ, thu nhập tăng thêm khoảng hơn một triệu đồng/tháng. Thu nhập của lao động làng nghề tủ thờ Gò Công được xem là cao nhất trong các làng nghề của tỉnh Tiền Giang. Cũng như làng nghề tủ thờ Gò Công, ban đầu làng nghề nón bàng buông Châu Thành cũng chỉ có khoảng vài chục hộ và hiện nay làng nghề có hơn hai nghìn hộ tham gia đan tại gia đình. Ðặc điểm của nghề là sử dụng lao động ở nhiều độ tuổi khác nhau. Hiện tại khoảng 70 nghệ nhân có tuổi nghề hơn 50 năm vẫn tiếp tục tham gia nghề và truyền nghề cho những người khác. Việc sản xuất này giúp người lao động tranh thủ làm được nhiều giờ hơn, vừa sử dụng được nhiều nguồn lao động vừa kết hợp làm việc khác như trông nhà, chăm sóc con cái, chăn nuôi... Thu nhập của lao động thường xuyên từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng đã giúp ổn định cuộc sống của người dân nơi đây. Hiện nay, hơn 90% số sản phẩm của làng nghề đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, I-ta-li-a, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, sản phẩm cũng được các khu du lịch và các tỉnh miền tây tiêu thụ mạnh. Một năm làng nghề cung cấp cho thị trường khoảng một triệu sản phẩm...

Nhờ được quan tâm, chỉ đạo và có kế hoạch hỗ trợ thông qua các dự án đầu tư phát triển, xúc tiến thương mại và đào tạo lao động, những làng nghề truyền thống ở Tiền Giang đã từng bước khôi phục và trên đà phát triển, tạo ra giá trị hàng hóa cao, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và nhiều lợi ích xã hội khác. Tuy nhiên, để các làng nghề truyền thống phát triển một cách bền vững, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực; gắn kết làng nghề với phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu; chiến dịch quảng bá và tổ chức thành lập các HTX để tạo cơ sở pháp lý ký kết các hợp đồng mua bán, xuất khẩu, nhất là phải tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa tỉnh và các địa phương trong việc phát triển các làng nghề truyền thống.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT