Hoạt động của ngành

Thanh Hóa: Phấn đấu trở thành trọng điểm du lịch quốc gia

Cập nhật: 17/01/2011 09:01:10
Số lần đọc: 2523
Với mục tiêu phấn đấu đưa xứ Thanh trở thành địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia vào năm 2015, đón 19,264 triệu lượt khách, phục vụ 36,268 triệu ngày khách, doanh thu đạt 10.931 tỷ đồng, ngành du lịch tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình hành động, giải pháp để đạt mục tiêu này.

Ông Doãn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, cho biết: Nhờ xác định và có sự đầu tư đúng hướng, biết khai thác lợi thế để tập trung cho phát triển du lịch tương xứng với tài nguyên và lợi thế địa phương, các chính sách cụ thể cho phát triển du lịch, quy hoạch và chiến lược phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đã được quan tâm đầu tư; hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước ngày càng có chuyển biến tiến bộ, đã và đang tạo dựng được các sản phẩm du lịch, dịch vụ dựa trên yếu tố tài nguyên đặc trưng và lợi thế so sánh để từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; hoạt động xúc tiến du lịch từng bước được tăng cường cả về quy mô và hình thức; chất lượng nguồn nhân lực, doanh nghiệp du lịch không ngừng phát triển về quy mô và trình độ, kỹ năng phục vụ ngày càng chuyển biến tiến bộ, hình ảnh của du lịch xứ Thanh đã tạo được dấu ấn tích cực, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Trên cơ sở quy hoạch, cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm, gồm 6 dự án, đến thời điểm này đã triển khai được 5 dự án tại các địa bàn trọng điểm du lịch với tổng kinh phí khoảng 167 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương thông qua Chương trình hành động quốc gia về du lịch là 122 tỷ đồng). Do đó, cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh  bước đầu được cải thiện làm thay đổi diện mạo, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận và sử dụng được sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả việc khai thác tài nguyên du lịch, như:  khu du lịch Sầm Sơn, suối cá Cẩm Lương...

 

Song song với xây dựng cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm, chương trình  sản phẩm du lịch gồm 11 dự án với kế hoạch kinh phí đầu tư 3.026 tỷ đồng, đến thời điểm này đã triển khai được 7 dự án với tổng kinh phí khoảng 552 tỷ đồng; bước đầu đang hình thành và tạo điều kiện tương đối cơ bản cho việc phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của du lịch xứ Thanh. Công tác đầu tư tôn tạo di tích đang từng bước phát huy các giá trị văn hóa và hướng đến mục đích khai thác phục vụ du lịch. Một số di tích đã có sức thu hút du khách trong và ngoài nước như: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu, Thái miếu Nhà Lê... Đặc biệt, việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới cho Thành Nhà Hồ và hang Con Moong sẽ góp phần quan trọng thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, vận chuyển du lịch, làng nghề truyền thống, hàng lưu niệm... đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ du khách, trong đó có các dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí mang tầm quốc gia như: Dự án khách sạn cao cấp Vạn Chài, Dự án du lịch nghỉ dưỡng Hải Hòa, Dự án du lịch văn hóa Hàm Rồng... Bên cạnh công tác đầu tư, quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm, thời gian qua, ngành du lịch cũng đã triển khai một số đề án, dự án như: “Đa dạng hóa và phát triển sản phẩm du lịch”, “Phát triển du lịch Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu”, “Đổi mới tổ chức và quản lý dịch vụ du lịch Sầm Sơn năm 2007-2010”, “Quản lý và kinh doanh khu du lịch suối cá Cẩm Lương”... Đồng thời, tập trung đầu tư khai thác, phát triển một số loại hình du lịch có thế mạnh như: Du lịch văn hóa - lịch sử tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu, Gia Miêu Triệu Tường... du lịch sinh thái Hàm Rồng, Bến En, suối cá Cẩm Lương... Ngoài ra, còn chuẩn bị các điều kiện để sớm đưa vào hoạt động các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch sự kiện. Nhiều điểm du lịch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào quy hoạch phát triển như: Hang Con Moong, khu sinh thái Cửa Đạt, khu sinh thái Pù Hu, Pù Luông... Hoạt động xúc tiến du lịch cũng được tập trung đẩy mạnh bằng nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá. Công tác nghiên cứu thị trường, tìm hiểu cơ hội liên kết, thu hút du khách trong và ngoài nước được triển khai thực hiện. Ngành du lịch cũng đã tổ chức cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đi khảo sát và nghiên cứu thị trường các nước Mỹ, Trung Quốc, Lào, Thái Lan... Tuy nhiên, tiềm năng du lịch tỉnh Thanh thời gian qua mới chỉ khai thác và phát huy  được một phần. Hình ảnh du lịch xứ Thanh cũng chưa được định hình rõ ràng cũng bởi chất lượng các dịch vụ du lịch còn thấp, dù các loại hình du lịch khá đa dạng, phong phú. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu bản sắc vùng miền. Và, điều quan trọng là sức cạnh tranh của du lịch xứ Thanh còn hạn chế nên chưa thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần cũng như lưu trú nhiều ngày...

 

Để du lịch thực sự là một ngành kinh tế quan trọng với bước phát triển mạnh và bền vững, sớm trở thành địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia,  là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước, những năm tới ngành du lịch tỉnh chủ trương tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các khu, điểm du lịch hiện có, đầu tư xây dựng một số khu, điểm du lịch mới với các sản phẩm du lịch đa dạng, có sức hấp dẫn để thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài, trong đó trọng tâm là khai thác có hiệu quả 6 khu du lịch trọng điểm: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Thành Nhà Hồ; Khu du lịch sinh thái Suối cá Cẩm Lương, Bến En; Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng; Khu du lịch biển Sầm Sơn, trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia. Coi trọng việc khai thác phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh để phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch; ưu tiên phát triển các tuyến du lịch đường bộ liên tỉnh, liên vùng, trong đó các tuyến du lịch xứ Thanh với các vùng du lịch khác trong cả nước. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường. Tập trung xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh  nhằm tạo dựng hình ảnh hấp dẫn, tin cậy đối với bạn bè và du khách. Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh du lịch xứ Thanh; quan tâm khai thác các loại hình du lịch làng nghề, khôi phục phố nghề, làng nghề du lịch, nghề dệt thổ cẩm, chế tác đá, đúc đồng, dệt chiếu cói, mây tre đan để phục vụ khách du lịch. Xây dựng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trước mắt và lâu dài. Trong đó, tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ buồng, bàn, lễ tân... Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong tỉnh, đặc biệt là về kỹ năng thực hành, đạt chuẩn chung của tiêu chuẩn quốc gia (VTOS) và thông lệ quốc tế. Xây dựng các tiêu chí nhà hàng du lịch đạt tiêu chuẩn, quy chế, tổ chức bộ máy quản lý các khu, điểm du lịch trọng tâm...

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục