Hoạt động của ngành

Du lịch Thanh Thủy (Phú Thọ): Tiềm năng đang thành hiện thực

Cập nhật: 06/01/2011 10:10:20
Số lần đọc: 2845
Theo truyền thuyết, vùng bãi ven sông Đà  là nơi phát tích của đức Thánh Tản Viên - một trong tứ Thánh được người Việt tôn thờ. Chuyện ấy bây giờ còn lưu dấu tại đền Lăng Xương thuộc xã Trung Nghĩa huyện Thanh Thủy. Xuôi về hạ lưu chừng hơn chục cây số là nơi sông Đà hợp với sông Hồng, đánh dấu chấm hết cho một con sông chảy qua vùng Tây Bắc.
Người ta bảo rằng con sông Đà quá phũ phàng vì cả chặng đường mấy trăm cây số băng ngàn, xẻ núi mà chẳng để lại cho đời nổi một cánh đồng phù sa mầu mỡ, nhưng với nguồn nước vô tận từ trên cao đổ xuống nó lại giúp làm ra ánh sáng từ nguồn thủy điện và khi đi hết chặng lại cho vùng đất bên tả ngạn một tiềm năng khác đó là mỏ nước khoáng nóng trong lòng đất có khả năng khai thác phát triển du lịch.


Suối Rồng, một địa danh khuyến khích phát triển du lịch tại xã Sơn Thủy của huyện Thanh Thủy.

Một anh bạn giáo viên trước dạy học ở La Phù, tách tỉnh anh về xuôi, vừa rồi có dịp trở lại thăm đất cũ, trường xưa không khỏi ngỡ ngàng tưởng như lạc vào vùng đất khác. Trường cũ, ruộng xưa đã nhường chỗ cho cơ quan công sở, ngõ xóm ngày nào giờ là tỉnh lộ vừa rộng, vừa đẹp. Lạ nhất là khu vực cuối xã trước là xóm nghèo, là nhà lá đơn sơ bây giờ san sát nhà cao tầng với đủ loại hình dịch vụ. Có được sự đổi thay ấy tất cả từ du lịch vùng nước khoáng nóng mà nên. Theo khảo sát mỏ nước khoáng nóng có quy mô diện tích khoảng 1km2,  nằm sâu chừng 30-40m, đạt độ nóng trung bình 50-600C, chứa nhiều khoáng chất có tác dụng chữa một số bệnh ngoài da, xương khớp… Có điều tiềm năng khu vực đền Lăng Xương và vùng nước khoáng nóng đều ngủ im lìm trong suốt nhiều năm, chỉ được khai thác từ sau khi tái lập huyện Thanh Thủy. Ngoài hàng chục hộ dân đã khai thác nước khoáng phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, một số cơ sở kinh doanh quy mô lớn như Công ty Cổ phần nước khoáng, Trung tâm điều dưỡng người có công của Hà Nội… mỗi năm đã đón hàng vạn du khách đến thưởng ngoạn, thăm viếng. Đi kèm với các hoạt động du lịch đồng thời kéo theo hàng loạt dịch vụ khác như nhà hàng ăn uống, sản xuất và cung ứng các loại nông sản tạo cho La Phù có nhịp sống khá nhộn nhịp, biến một xã thuần nông trở thành thị trấn ven sông Đà sầm uất. Đến với Thanh Thủy hôm nay dù chưa phải  là huyện giàu nhưng mọi người đều cảm nhận được sự trỗi dậy khá mạnh mẽ của một vùng đất hội tụ nhiều yếu tố phát triển kinh tế du lịch. Đặc biệt cuối năm 2010 xã La phù đã được công nhận là đô thị loại 5, mở đường tiếp tục phát triển trở thành vùng kinh tế trù phú bên tả ngạn sông Đà.

Để có cơ sở cho sự phát triển lâu dài vùng đất nhiều tiềm năng sát ngay thủ đô, giữa năm 2010 tỉnh đã công bố quy hoạch phát triển khu du lịch nước khoáng nóng Thanh thủy với quy mô trên 4.770ha đất thuộc địa giới hành chính các xã: La Phù, Bảo Yên, Đoan Hạ, Sơn Thủy của huyện Thanh Thủy và một phần xã Thạch Khoán huyện Thanh Sơn. Theo đó các khu vực đô thị sẽ phát triển theo các tuyến giao thông, khu vực quần cư  hiện hữu, các khu trung tâm dịch vụ, văn hóa, kinh tế, du lịch, thương mại có kết nối không gian cây xanh, mặt nước, cảnh quan tạo thành một không gian thống nhất theo hệ thống các trung tâm: Hành chính, thương mại, nghỉ dưỡng, văn hóa và trung tâm hỗn hợp. Kỹ thuật hạ tầng được bố trí tương ứng tại 9 khu chức năng gồm: Khu trung tâm văn hóa quy mô trên 320ha; Khu du lịch chuyên đề 64ha - nơi đây sẽ xây dựng các mô hình khu phố điển hình của một số nước và Việt Nam phục vụ cho tham quan; Khu du lịch sinh thái và sân golf gần 850ha; Khu biệt thự và nghỉ dưỡng 90ha; Khu tắm nước khoáng trên 40ha; Khu phim trường trên 410ha; Khu dân cư đô thị mới 363ha; Khu hạ tầng  và dịch vụ công 130ha; Khu vùng đệm trên 2000ha. Ngoài khu vực du lịch nước khoáng nóng đã quy hoạch, phát triển khu du lịch này còn có cơ hội tạo không gian liên kết giữa du lịch Đền Lăng Xương và một số đền đài, danh lam thắng cảnh của các xã trong và ngoài huyện, nhất là các di tích núi Ba Vì, Đá Chông thuộc thủ đô và Xuân Sơn - Đền Hùng của Phú Thọ. Tiếp theo một số cơ sở đầu tư du lịch khai thác vùng nước khoáng nóng, năm 2010 tỉnh cũng đã cấp phép đầu tư khai thác vùng đất bãi giữa sông Đà nhằm xây dựng nơi đây thành một khu du lịch khép kín gồm nhiều loại hình vui chơi, giải trí, thăm quan du lịch. Thủ đô mở rộng, vùng Tây Bắc với những cảnh quan bên chân núi Ba Vì, Di tích Đá Chông… nay có thêm vùng nước khoáng nóng chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn của đông đảo mọi người  trong và ngoài nước. Đây sẽ là cơ hội để Thanh Thủy khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng cận thủ đô.

Nếu cách đây gần chục năm ít người nghĩ khu vực Thanh Thủy sẽ là một điểm đến du lịch hấp dẫn, thì bây giờ điều đó đã và đang trở thành hiện thực. Những phác thảo từ quy hoạch phát triển du lịch vùng phên dậu thủ đô những năm  tới càng có cơ sở để định dạng bởi có các yếu tố thuận lợi đang tới. Từ vài ba năm nay kinh tế xã hội của cả nước nói chung, khu vực nói riêng khá phát triển, đặc biệt Hà Nội mở rộng cả vùng đất ven sông Đà của tỉnh trở thành phên dậu của thủ đô. Rồi việc đang triển khai hệ thống đường Hồ Chí Minh, các cầu nối Hà Nội với phía Nam tỉnh Phú Thọ, cùng với đó trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội tỉnh, huyện đều xác định du lịch là một khâu trọng điểm phát triển từ nay đến năm 2020. Với những kết quả đã có cộng với tư duy mới hy vọng trong tương lai không xa Thanh Thủy sẽ là khu vực phát triển năng động, tạo sự đột biến trong quá trình CNH-HĐH.

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục