Hoạt động của ngành

Hà Nội: Khuyến khích hoạt động văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian tại các lễ hội

Cập nhật: 30/12/2010 10:12:40
Số lần đọc: 1925
Đây là nội dung được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội nhấn mạnh khi triển khai kế hoạch tổ chức quản lý lễ hội trên địa bàn Thủ đô năm 2011 đến các đơn vị vào ngày 28/12.

Theo đó, các hoạt động văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian như: vật, võ dân tộc, đánh đu, chọi gà, cờ người, thổi cơm thi... được khuyến khích, nhằm huy động các lực lượng xã hội, nhân dân cùng tham gia hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa lành mạnh.

 

Các địa phương có lễ hội vùng truyền thống như: Chùa Hương (Mỹ Đức), gò Đống Đa (Đống Đa), Chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Tây Phương (Thạch Thất), Chùa Bối Khê (Thanh Oai), chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), Chùa Đậu (Thường Tín), đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), đền Hát Môn (Phúc Thọ), đền Phù Đổng (Gia Lâm), Đền Sóc (Sóc Sơn), đền Cổ Loa (Đông Anh), Hội Lộ (Thường Tín), cần thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội để quản lý và điều hành hành đúng Quy chế phù hợp với quy mô tổ chức lễ hội. Đối với các lễ hội làng, lễ hội văn hóa du lịch định kỳ tổ chức hàng năm, khi tổ chức lễ hội năm 2011 cần báo cáo cơ quan quản lý và tổ chức thực hiện theo đúng Luật Di sản văn hóa, Quy chế tổ chức lễ hội của Bộ VH-TT-DL, đảm bảo thiết thực phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Nghiêm cấm tổ chức các hoạt động dịch vụ trong khu vực bảo vệ I của di tích và có phương án bảo vệ di tích, cổ vật khỏi bị xâm hại, thất thoát.

 

Lãnh đạo Sở VH,TT&DL Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân địa phương và du khách đến dự lễ hội thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế việc thắp hương, đốt vàng mã trong di tích; tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng sôi nổi, lành mạnh; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, nạn ăn xin, nài ép khách; đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại lễ hội.

 

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn Hà Nội hàng năm có hơn 900 lễ hội lớn nhỏ, tập trung nhiều nhất vào tháng Giêng tháng 2 và tháng 3 Âm lịch.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

Cùng chuyên mục