Hành trang lữ khách

Khám phá những món ăn đặc sản trên đất Bắc Hà

Cập nhật: 20/06/2008 10:06:30
Số lần đọc: 2245
Lên cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai), du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên mà còn được thưởng thức những món ăn vừa ngon vừa lạ để rồi không thể nào quên mỗi lúc ra về.

Thắng cố

Nói đến thắng cố, ai cũng biết đó là đặc sản của đồng bào dân tộc Mông ở Bắc Hà. Nhưng bây giờ, thắng cố đã trở thành món ăn ngon và quen thuộc của nhiều tộc người vùng cao. Trời càng lạnh, thắng cố càng ngon, thêm bát rượu ngô ấm nồng với người miền núi thật không có gì sánh bằng. Đây là món ăn ngon và điển hình của người dân nơi đây được chế biến chủ yếu từ thịt ngựa.

Thịt được làm sạch, cắt thành miếng, cho tất cả vào một chiếc chảo to, thêm chút gia vị rồi ninh lên thành món tổng hợp gồm cả thịt, xương, tiết, lòng… Thắng cố mà uống với chút rượu Bản Phố càng tuyệt.

Lợn cắp nách

Lợn cắp nách cũng là món ăn không kém phần thú vị. Lợn đàn được đồng bào nuôi thả rông, chúng tự tìm thức ăn cho mình, nên mặc dù 6-7 tháng tuổi mà chỉ nặng 8-10kg. Người dân thường lấy dây thừng buộc chân chúng rồi cắp nách xuống chợ bán, nên gọi là lợn cắp nách. Thịt lợn này rất ngon: thịt chắc, hàm lượng nạc cao, lại rất thơm. Đặc biệt, khi ăn món này phải kể đến món nước chấm. Nước chấm thịt lợn cắp nách được chế từ mẻ lọc kỹ, chưng với hạt giổi ớt… tạo thành món nước sền sệt, vừa bùi lại vừa thơm.

Phở chua - món ăn thanh khiết

Phở chua là món ăn truyền thống của nhiều dân tộc vùng cao, trong đó có người dân Bắc Hà. Phở chua ăn nguội, được dùng trong bữa điểm tâm nhẹ nhàng, thanh khiết. Bánh phở làm bằng gạo đỏ vùng cao, mềm, vị ngọt. Cái đặc sắc của phở chua là nước dùng. Chính thứ nước dùng này mới phân biệt ra phở chua. Người ta chắt nước cơm đem pha loãng với nước sôi để nguội, đổ vào chum ngâm cùng với lõi và vỏ ngô tím, bỏ thêm rau mùi tàu còn nguyên rễ, để tạo hương vị. Nếu không có ngô tím thì có thể pha với nước lọc từ bột pha - một loại lương thực của người vùng cao, hạt nhỏ như hạt cải, có màu tím để tạo màu sắc hấp dẫn. Dùng lá chuối, hoặc lá dong đậy kín, buộc chặt miệng chum, để ở nơi thoáng mát khoảng từ ba đến năm ngày.

Các loại gia vị gồm lá hẹ, cần tây vùng cao, hành, rau mùi, răng cưa… bổ sung thêm đậu xị, tương ớt (làm bằng ớt khô) hoặc bột ớt khô xay mịn, rau cải muối chua ngấu thái nhỏ, củ hẹ muối với ớt, lạc hoặc vừng, một chút hạt tiêu hoặc bột thảo quả, rắc các loại gia vị lên trên bát phở, rồi chan nước dùng đủ lượng.

Tuy là món ăn dân dã, nhưng phở chua đã trở thành đặc sản tại chợ Bắc Hà và thành món khoái khẩu, thu hút nhiều du khách trong những dịp lễ hội.

Nguồn: website báo Lào Cai

Cùng chuyên mục