Hoạt động của ngành

Tuyên Quang hội tụ các thế mạnh phát triển du lịch

Cập nhật: 25/10/2010 09:10:21
Số lần đọc: 2142
Tuyên Quang hội tụ đủ các thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch, như: Du lịch lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái và du lịch văn hoá. Riêng về du lịch lịch sử, với 467 di tích trên địa bàn, và được ví như một bảo tàng cách mạng của cả nước.

Trong các điểm du lịch không thể không nhắc đến Khu du lịch Văn hoá - lịch sử và sinh thái quốc gia Tân Trào - Thủ đô Khu Giải phóng. Nơi đây, có nhiều di tích lịch sử nằm giữa những cánh rừng đại ngàn mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như: Đình Hồng Thái - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân đầu tiên khi Người từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào ngày 21/5/1945, đây cũng là nơi đón tiếp các đại biểu về dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, tháng 8 năm 1945; Lán Nà Lừa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945. Đình Tân Trào, nơi diễn ra họp Quốc dân Đại hội tháng 8/1945; cây đa Tân Trào, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm lễ xuất quân nam tiến. Cùng với Tân Trào, nhiều nơi khác trong khu ATK của Tuyên Quang đã trở thành Thủ đô Kháng chiến, nơi Bác Hồ và các cơ quan Trung ương đã ở, lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ giành thắng lợi.

Thành phố Tuyên Quang bên dòng Lô lịch sử có 59 điểm du lịch lịch sử, văn hoá và duy trì tổ chức 5 lễ hội văn hoá độc đáo hàng năm, gồm: Lễ hội đua thuyền, lễ hội chùa Hương Nghiêm, lễ hội đền Hạ, lễ rước cánh ấn đền Trần và lễ hội đường phố. Trong đó có 18 điểm di tích đền, chùa đã trở thành thế mạnh trong việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh của thành phố, hàng năm thu hút một lượng lớn khách du lịch. Nơi đây còn lưu dấu ấn bàn tay tài hoa của con người trên những di tích, kiến trúc nghệ thuật, đình chùa, đền miếu, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia như: Thành nhà Mạc, đền Hạ...


Đến Hàm Yên, huyện nằm dọc hai bên Quốc lộ 2 nên có điều kiện phát triển kinh tế hàng hoá thuận lợi, du khách sẽ được tham quan các thắng cảnh nổi tiếng như: Động Tiên, Thác Lăn, đền Thác Cái (xã Yên Phú); Hồ Khởn (xã Thái Sơn), đền Bắc Mục, đình Thác Cấm (thị trấn Tân Yên), rừng đặc dụng Cham Chu (xã Minh Hương). Lễ hội Động Tiên - Chợ quê; Hội chọi trâu; lễ hội đình Thác Cấm, đền Bắc Mục được tổ chức hàng năm đã thu hút đông đảo khách tham quan. Gắn liền với các địa danh du lịch là những đặc sản nổi tiếng như cam sành Hàm Yên; vịt, gạo Minh Hương; mật o­ng Cao Đường (Yên Thuận) và các sản phẩm thổ cẩm, thêu ren, đan lát.


Lên Chiêm Hoá, du khách sẽ được thăm các điểm du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, tâm linh như: Khu du lịch sinh thái thác Bản Ba, xã Trung Hà; khu di tích lịch sử Kim Bình; đền Đầm Hồng xã Ngọc Hội; đền Bách Thần, thị trấn Vĩnh Lộc. Tại các điểm du lịch, du khách sẽ được thưởng thức  nhiều món ăn dân tộc, đặc sản nổi tiểng như xôi bảy màu, mắm cá ruộng, rượu nếp cái hoa vàng...

Lên Nà Hang du khách sẽ được trải nghiệm các loại hình du lịch trên vùng núi đá vôi trải dọc sông Gâm và sông Năng, tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung với diện tích 37.000 ha ôm gọn trong lòng cả 4 xã: Côn Lôn, Khau Tinh, Sơn Phú, Thanh Tương với hàng nghìn loài thực vật, động vật quý hiếm. Đặc biệt là loài voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới. Du khách còn được nếm hương vị ngọt, cay, nồng, ấm, đậm men say của rượu Ngô Nà Hang, thưởng thức thịt lợn chua, thịt trâu khô, và các loại cá nuôi trên lòng hồ thuỷ điện.


Xuôi về Yên Sơn, huyện có nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh có nhiều lễ hội độc đáo, như: Lễ hội đình Giếng Tanh, xã Kim Phú; lễ hội đình Minh Cầm, xã Đội Bình; lễ hội Đầm Mây, lễ hội đền Minh Lương, xã Lang Quán... Đặc biệt, khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm với rừng núi yên bình, không khí trong lành cũng luôn là điểm du lịch hấp dẫn các du khách, ở đây có nguồn nước khoáng thiên nhiên được các nhà địa chất học người Pháp phát hiện từ năm 1923, rất trong, nóng tới 670C được lấy trực tiếp từ mạch nước sâu hơn 150m, chứa nhiều nguyên tố vi lượng có tác dụng phục hồi sức khoẻ và chữa rất tốt các bệnh về cơ, khớp, xương...


Với tiềm năng, thế mạnh trên, Tuyên Quang đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế du lịch; quy hoạch các khu, điểm du lịch; xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước, bưu chính viễn thông... qua đó thu hút đầu tư, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục